1. Văn học Nga thời kỳ trước Puskin
Văn học Nga từ khi mới hình thành (thế kỉ XI) cho đến thời đại Puskin sống (thế kỉ XIX) đã đi được một chặng đường dài, đạt được những thành tựu đáng kể về nội dung, nghệ thuật cũng như phương pháp sáng tác, song tầm vóc của nó vẫn chưa thể vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Là một nền văn học trẻ tuổi so với văn học các nước châu Âu khác, văn học Nga trong những bước đi ban đầu không khỏi không chịu ảnh hưởng về đề tài, thể loại, phương pháp sáng tác và tư tưởng triết học của văn học Pháp, Anh, Đức. Thời kỳ này, nói như lời của Bielinxki, thơ ca Nga chỉ là người học trò thông minh, nhanh nhẹn của nàng thơ Tây Âu. Dòng văn học dân gian và dòng văn học bác học chảy riêng biệt, ít có chỗ thấm vào nhau. Ngay đến ngôn ngữ dùng để sáng tác cũng là một thứ ngôn ngữ cổ khô cứng dùng để dịch Kinh Thánh. Đến cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX xu hướng đổi mới và phát triển văn học Nga ngày càng bộc lộ. Những quy phạm truyền thống có những triệu chứng rạn vỡ, những mầm mống thể nghiệm mới trên nền tảng tính dân tộc đang manh nha. Zucốpxki (1783 - 1852) trở thành "một Crixtốp Côlông văn học của nước Nga, đã phát hiện cho nước Nga châu Mỹ của chủ nghĩa lãng mạn trong thơ ca" (Bielinxki). Ông đã đem đến cho thi ca chất lãng mạn mới mẻ, trẻ trung, say đắm, tính âm nhạc của thể thơ ba-lát và bi ca, làm cho chúng thấm đẫm màu sắc dân gian Nga trên phông nền thiên nhiên, nghi lễ, tập quán dân tộc. Tuy nhiên nội dung và tư tưởng trong sáng tác của ông vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa tình cảm Đức, xa lánh những vấn đề của đời sống xã hội, chìm đắm trong mầu sắc thần bí, tôn giáo. Thơ ngụ ngôn của Crưlốp (1769 -1844) cũng vậy, mặc dù đã mang tính dân tộc rõ rệt, nhưng vẫn là sự mô phỏng La-phông-ten. Thơ ca của Bachiuxcốp (1787 - 1855) thể hiện niềm vui trần tục, tự do cá nhân, niềm tin vào tương lai của tổ quốc, nhưng chỉ phản ánh đời sống tinh thần của một thiểu số quý tộc có học thức, xa lạ với cuộc đấu tranh xã hội. Puskin là người tiếp thu những mầm mống đổi mới của các bậc đàn anh, cải cách văn học và ngôn ngữ Nga một cách toàn diện.
2. Puskin - nhà cải cách vĩ đại của văn học Nga
Dường như lịch sử nước Nga đã lựa chọn để trao cho Puskin một sứ mệnh thiêng liêng vĩ đại: Tổng kết sự phát triển của toàn bộ văn học Nga trải qua 8 thế kỉ, đồng thời khai phá những đỉnh cao chói ngời nhất, đưa văn học Nga lên một trong những vị trí hàng đầu của văn học nhân loại. Tám thế kỉ danh tiếng văn học Nga chưa vượt ra khỏi phạm vi quốc gia; chỉ với Puskin, văn học Nga mới bừng dậy, trở thành những trang vàng rực rỡ nhất của văn học thế giới, làm cho các châu lục phải ngoái nhìn kinh ngạc, thán phục và mến yêu.
Với cuộc đời sóng gió và ngắn ngủi, Puskin đã kịp làm cho nước Nga biết bao kỳ tích. Bằng những bước tiến nhanh chóng lạ thường ông đã thắng dây cương cho cỗ xe tam mã Nga phi những nước đại đáng kinh ngạc: Chỉ trong hai chục năm ông đã khai phá những con đường nghệ thuật mới mẻ mà ở các nước khác người ta phải đi hàng trăm năm, ông đã cách tân hàng loạt thể loại và đề tài văn học mà sức lực của nhiều người, nhiều thời gian cộng lại không dễ gì làm nổi.
Con người Nga vĩ đại ấy bắt đầu sự nghiệp bằng cách vượt nhanh qua giai đoạn chủ nghĩa cổ điển (năm ông mới 18 tuổi), để đến với chủ nghĩa lãng mạn (năm 21 tuổi) và khai phá7; ra chủ nghĩa hiện thực (năm 26 tuổi). Với sự phát hiện vào năm 1820 và chính thức đặt nền móng vào năm 1825 cho chủ nghĩa hiện thực, Puskin đã trở thành ngôi sao mai hiếm hoi trên bầu trời Âu châu lúc đó. (ở các nước Tây Âu khuynh hướng này được hình thành muộn hơn, phải đến những năm 1830, trong các tác phẩm của Banzac, Xtăngđan, Đickinx...) Sáng tác của Puskin đã khơi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ khuynh hướng bao quát hiện thực xã hội rộng lớn với nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, thể hiện nhiều vấn đề mang tính thời đại, đi sâu vào những ngõ ngách khuất kín, phức tạp của tâm lý con người mà sau này L. Tônxtôi, Ph. Đôxtôiepxki sẽ phát triển thành "phép biện chứng tâm hồn". Với Puskin, lần đầu tiên văn học Nga thể hiện trung thực và đầy đủ, sinh động thế giới tinh thần Nga, tính cách Nga, thiên nhiên Nga, ngôn ngữ Nga. Ông yêu thích những nhân vật lãng mạn có lý tưởng, có kích thước cao rộng, có chiều sâu tâm hồn của Bairn, nhưng luôn đặt chúng trong tầm vóc con người bình thường của hiện thực Nga đương thời.
Về phương diện đổi mới, trong văn học thế giới hiếm có thiên tài nào như Puskin đem lại nhiều cách tân đến thế trong mọi lĩnh vực: Thơ trữ tình, trường ca, truyện kể dân gian, bi kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, văn chính luận, ngôn từ sáng tác, đề tài văn học...
Lịch sử Nga sẽ mãi mãi ghi công người sáng tạo nên ngôn ngữ Nga văn học hiện đại, một thứ ngôn ngữ thoát khỏi sự vay mượn, những hình thức khoa trương, trống rỗng, một ngôn ngữ trong sáng, giản dị, sinh động, thuần khiết hơi thở Nga, tâm hồn Nga. Puskin sớm nhận thấy tính giả tạo, không tự nhiên của ngôn ngữ xa-lông quý tộc thượng lưu pha tạp Nga - Pháp đầy bay bướm, cầu kỳ, kiểu cách, xa lạ với tiếng nói của nhân dân. Viện sĩ Vinôgrađốp nhận định: "Quan điểm của Puskin trong cuộc đấu tranh giữa tiếng Pháp và tiếng Nga - Xlav là một quan điểm thiên tài. Đồng thời với việc tác động củng cố các hình thái tư duy kiểu châu Âu, Puskin đã vượt qua sự hạn chế trong ngôn từ của tầng lớp quý phái làm cho ngôn ngữ văn học gắn bó với văn phong sinh hoạt dân tộc"(15). Theo lời Bielinxki, thơ ca Nga trước thời kỳ Puskin sáng tác là "một thứ cây được bứng từ nơi khác, chứ không phải là giống cây bản địa"(16), thứ cây chỉ có cành lá mà không có gốc rễ và tư tưởng. Puskin đã đem đến cho nó cội rễ và tư tưởng, tinh thần và khí chất Nga, biến nó thành thứ cây bản địa. Trước Puskin, nhiều ý kiến cho rằng thi ca Nga chỉ có thể viết bằng loại ngôn ngữ Xlavian (ngôn ngữ dùng để dịch Kinh Thánh). Puskin chứng minh khác hẳn: Thơ ca Nga có thể và cần phải dệt bằng ngôn ngữ nói thường ngày hết sức sống động, giản dị, trong sáng và hàm súc của nhân dân. Tiếp thu những tinh hoa văn học truyền thống, Puskin nhìn thấy tương lai sáng sủa của việc kết hợp tiếng Nga văn học với từ ngữ bình dân. Ông đã hoà quện tuyệt vời hai dòng văn học vốn tồn tại tách bạch hàng bao thế kỉ nay ở Nga là văn học dân gian và văn chương bác học, xóa đi khoảng cách giữa "ngôn ngữ cao quý" và "ngôn ngữ thấp kém" như cách người ta phân chia lúc ấy. Ông nhận ra cái đẹp ở ngay trong những cái bình thường, cái "cao quý" ngay trong cái vẫn bị coi là "thấp kém". Trong thơ ông có bông hoa ép bị lãng quên, có tiếng hót của con chim sơn tước, có bầu trời "thoang thoảng hơi thu", có "con đường mùa đông" tuyết phủ trắng một nỗi buồn da diết khắc khoải, lại có cả những gì rất đỗi bình dị thân thương như túp lều tranh, đống rạ, tấm lưới dân chài... Thơ ông diễn tả những tâm tình sâu thẳm của trái tim đơn côi, nỗi quyến luyến một dáng hình, khoảnh khắc, lại cũng thể hiện chủ nghĩa ái quốc sâu thẳm nhất và tinh thần phản kháng chế độ nông nô chuyên chế gay gắt chưa từng thấy. Ngay từ lúc còn là cậu học sinh Lixê 15 tuổi, Puskin đã thể hiện rõ xu hướng thiên về đời sống tự nhiên, ca ngợi vẻ đẹp đồng nội tràn đầy sức sống của bông bách hợp, đặt nó trong sự tương phản với bông hồng quý tộc đài các dễ tàn úa. Bielinxki nhận xét rằng hơi thơ của Puskin vô cùng độc đáo, thơ của ông xa lạ với tất cả những gì gọi là ảo tưởng, nó tràn ngập hiện thực, nó không rắc phấn hồng, phấn trắng lên cuộc sống mà miêu tả cuộc sống trong vẻ đẹp tự nhiên chân thật của nó, "trong thơ ca của Puskin có bầu trời, nhưng bầu trời bao giờ cũng hoà vào trái đất."
Đến cuối thế kỉ XVIII văn xuôi Nga còn là mảnh đất hoang sơ chưa được khai phá. Trong văn học phương Tây khi chủ nghĩa hiện thực ra đời thì đã có một nền văn xuôi vững chắc, còn chủ nghĩa hiện thực Nga ra đời lại phải đứng trước một nhiệm vụ phát triển toàn diện các thể loại. Văn học Nga trước đó chủ yếu là thể loại thơ, Puskin làm phong phú và cân đối nó khi phát triển văn xuôi nghệ thuật. Đến với thơ ca, dẫu sao Puskin đã có những bậc thầy dìu dắt, còn trên lĩnh vực mới mẻ này ông phải tự mình khai phá những bước đi gần như đầu tiên. Ông được coi là người đặt những viên đá tảng cho nền móng mới mẻ và vững chắc của thể loại. Là một nghệ sĩ nhậy bén với thời cuộc, ông nhận ngay ra sự cấp thiết và thích hợp của thể loại trong việc phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ đang diễn ra mỗi ngày xung quanh ông. Ông đã xây nên "yếu tố thứ nhất của văn học" - ngôn ngữ, làm cho ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật trở nên mới mẻ, phong phú, sinh động, chính xác, linh hoạt, thoát khỏi ảnh hưởng của tiếng Xlavian cổ, những từ ngữ vay mượn nước ngoài. Các nhà văn tình cảm trước Puskin thường không "nói" mà "hát" bằng một thứ văn xuôi đầy những tu từ hoán dụ, ẩn dụ, đảo ngữ, điệp ngữ và cảm thán, thứ văn xuôi êm dịu, kiểu cách của phòng khách quý tộc. Trong văn xuôi của mình Puskin không "hát" mà "nói" bằng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn, thể hiện rõ tư tưởng. Gorki nhận định: "Puskin đã đặt nền móng cho văn xuôi Nga hiện đại, mạnh dạn đưa vào văn học những đề tài mới và trong khi giải thoát nền văn học ra khỏi ảnh hưởng của tiếng Pháp, Đức, đồng thời cũng giải thoát nền văn học ra khỏi chủ nghĩa duy cảm nhạt nhẽo mà những tác giả trước Puskin đều mắc phải. Ngoài ra Puskin cũng là người đặt nền tảng cho sự hoà hợp giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, sự hoà hợp cho đến nay vẫn là đặc trưng tiêu biểu của nền văn học Nga, làm nó có một âm hưởng riêng, một diện mạo riêng."(17)
Truyện ngắn của Puskin đ câu chuyệnược coi là khởi đầu của văn xuôi hiện thực Nga. Gôgôn đánh giá rất cao "sự trong sáng hồn nhiên, không chút tiểu xảo" của các tác phẩm Puskin. L. Tônxtôi hết sức thán phục cách kể chuyện gọn ghẽ, không có chi tiết thừa, giọng kể tự nhiên, giản dị, trong sáng của Puskin. Ngay từ bước đi ban đầu, truyện ngắn của Puskin dường như đã giải quyết xong nhiều vấn đề cơ bản của thể loại: chính xác, giản dị, ngắn gọn mà hàm súc tư tưởng - những gì mà sau này "bậc thầy truyện ngắn" Tsêkhôp sẽ kế thừa và hoàn tất mỹ mãn. Các truyện ngắn Người quản trạm, Đubrốpxki, Phát súng, Cô tiểu thư nông dân, Bão tuyết, Ông chủ hiệu đám ma và nhất là Con đầm pích thật sự là trở thành những mẫu mực của công thức "nội dung lớn trong hình thức nhỏ", trong đó những khám phá tâm lý nhân vật đã chuẩn bị cho nghệ thuật phân tích tâm lý sâu sắc của Lecmôntốp và cho "phép biện chứng tâm hồn" của L. Tônxtôi.
Trong tiểu thuyết lịch sử Người con gái viên đại úy, dòng đời và dòng lịch sử chảy hoà vào nhau một cách tự nhiên, mạch truyện linh hoạt và liên tục, đậm đà phong cách dân gian. Với quan điểm lịch sử và nhân dân đúng đắn, Puskin đã xây dựng nên hình ảnh đầy chất hiện thực và huyền thoại về người anh hùng áo vải Êmiliên Pugatsốp, vừa bình dị hoà đồng như đứa con đẻ của nhân dân, vừa hào hùng khí phách như tráng sĩ Nga trong truyện cổ.
Chặng đường viết văn xuôi xen kẽ với sáng tác thơ ca của Puskin chưa đầy 10 năm, di sản của ông tuy không đồ sộ, nhưng đã đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển của văn chương tự sự Nga, khai thông cho những đỉnh cao sau này của thể loại.
Đến với sân khấu Nga thế kỷ XIX, Puskin cũng thực hiện một cuộc cách mạng, góp phần đưa kịch Nga vươn lên đỉnh cao của văn học nhân loại. Ông đã phát hiện và đưa vào tác phẩm của mình kịch tính của hiện thực châu Âu thế kỉ XIX. Sáng tác vở bi kịch Bôrix Gôđunốp bất hủ, Puskin tự bản thân nhận thức rằng mình đã đem đến thành công trong cuộc cải cách kịch trường Nga và châu Âu. Ông phát hiện ra và lý giải mố7;i liên hệ giữa kịch tính trong tâm hồn con người với kịch tính của thời đại và số phận nhân dân.
Puskin cắm những cột mốc lớn không chỉ cho các thể loại văn học mà còn cho hàng loạt đề tài mang nội dung hiện thực và nhân bản sâu sắc. Nhiều hình tượng nhân vật của ông trở thành bất hủ, được đưa vào danh sách văn học nhân loại nhờ tầm vóc triết học lớn lao xuyên suốt nhiều thế kỷ.
Trước Puskin "con người nhỏ bé" đã có mặt trên trang văn học Nga, nhưng đó là những con người được nhìn từ cặp mắt thương hại, thái độ quan tâm hời hợt của kẻ bề trên ban ơn xuống, hoặc được rắc phấn hồng che đi ranh giới, mâu thuẫn với những kẻ quyền quý cao sang. Puskin đã thực sự đưa ra được hình tượng hết sức chân thực về "con người nhỏ bé" với một thái độ trân trọng, đồng cảm. Trong thi ca Nga trước Puskin chưa từng có ai trìu mến gọi người đàn bà xuất thân từ tầng lớp nông nô là "bạn thân thiết", "con bồ câu già", "mẹ" như Puskin. Và trong thơ ca thế giới xưa nay hiếm thấy những bài thơ đầy ắp ân tình, đằm thắm, chân thành và bình đẳng như những bài thơ viết về người vú nuôi trong Buổi tối mùa đông, Gửi nhũ mẫu, Tôi lại về thăm... Trong truyện ngắn Người quản trạm Puskin chân thành chia sẻ công việc, ước mơ, cảm thương sâu sắc cho những số phận nghiệt ngã của con người thuộc tầng lớp dưới, thể hiện lòng căm giận những bất công ngang trái ở đời.
Hình tượng Con người thừa là đóng góp đáng kể của Puskin cho văn học Nga và thế giới. Với hình tượng này nhà thơ đã vẽ nên chân dung chân thực, sống động của một lớp thanh niên thời đại - một kiểu sản phẩm tất yếu của điều kiện xã hội lúc bấy giờ, dự báo những tính cách mới sẽ phát triển.
Sự nghiệp vĩ đại của Puskin chính là niên biểu của nền văn học Nga. Ông đã nhanh chóng hoàn tất vẻ vang sứ mệnh của người đặt nền móng, cắm các cột mốc cho đại lộ văn học Nga. Gôgôn - môn đệ xuất sắc nhất của trường phái Puskin, phát biểu: "Puskin là một hiện tượng đặc biệt, có thể nói, duy nhất của tinh thần Nga: đó là người Nga trong sự phát triển của nó, con người, trong mức độ mà có thể, phải trải qua hai trăm năm sau mới xuất hiện. Trong ông, thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, ngôn ngữ Nga, tính cách Nga, được phản ánh thuần khiết đẹp tới mức giống như cảnh vật được soi trên mặt kính phóng đại."(18)
3. Nguồn gốc của mọi nguồn gốc
Puskin là "nguồn gốc của mọi nguồn gốc" (Gorki). Tất cả những nhà văn vĩ đại về sau đều ngưỡng mộ và chịu ơn ông. Thật thế, trường phái tự nhiên của Gôgôn, Nàng Thơ trữ tình và xu hướng tâm lý của Lecmôntốp, thế giới thi ca triết lý của Chutsép, trường phái hiện thực của Necraxốp, Tônxtôi, Đôxtôiepxki... đều bắt nguồn từ con sông lớn Puskin. Con sông đó chảy đến ngã ba ngã bảy chia ra thành nhiều lưu nhánh với dòng chảy đặc trưng của mình, nhưng chúng không bao giờ để mất hút dấu vết đầu nguồn. Gorki viết: "Không có Puskin, thì trong một thời gian rất dài sẽ không có Gôgôn, L.Tônxtôi, Tuốcghênhép, Đôxtôiepxki. Tất cả những con người vĩ đại này của nước Nga đều công nhận Puskin là bậc thủy tổ tinh thần của mình"(19). Tinh thần và trí tuệ chói sáng của nhà thơ đã mở đầu cho thời kỳ hoàng kim trong văn học Nga và rọi sáng đường đi cho nhiều lớp người kiệt xuất trên đất Nga.
Gôgôn kế tục xuất sắc đề tài "con người nhỏ bé" trong Chiếc áo khoác, phát triển hình tượng "con người thừa" trong Những linh hồn chết, tiếp nối kiểu con người tư sản mới xuất hiện ở Nga cùng với những đặc tính của nó trong Bức chân dung, Những linh hồn chết. L.Tônxtôi tiếp tục câu chuyện về Tachiana nhưng với một kiểu xung đột khác, cách giải quyết khác trong Anna Carênhina. Raxcônnhicôp của Đôxtôiepxki là sự kế thừa Ghécman trong Con đầm pich và Xalêri trong Moza và Xalêri. Alêcxây Tônxtôi nhờ sự trợ giúp rất nhiều Nga, tâm hồn Nga của Puskin trong Người kị sĩ đồng, Người da đen của Pi-e Đại đế để xây dựng bộ tiểu thuyết lịch sử hoành tráng Pie Đại đế. Quan điểm đúng đắn và mới mẻ về vai trò của nhân dân trong lịch sử trong Người con gái viên đại úy, Bôrix Gôđunôp đã mở đường cho thiên anh hùng ca bất hủ Tarax Bunba của Gôgôn và Chiến tranh và hoà bình của L. Tônxtôi. Blôc gọi Puskin là "tình yêu đầu tiên" của mình, là "cánh cửa mở ra sự khởi đầu và kết thúc trong sự chuyển động của tâm hồn"
Thiên tài của Puskin tỏa sáng khắp các châu lục. Sáng tác của ông được dịch ra hàng trăm thứ tiếng và mỗi năm ông lại có thêm nhiều độc giả mới. Puskin được coi là một trong những nhà văn hiện thực đầu tiên ở châu Âu và trên thế giới. Ông không chỉ thuộc về nhân dân Nga mà đã trở thành một trong những thiên tài của thế giới. Nhà thơ Chi-lê Pablo Neruđa trân trọng gọi Puskin là "người anh cả của thơ ca và tự do", là "ngọn nến của tất cả các dân tộc trên toàn thế giới"(20). Vinh quang của Puskin sẽ tiếp tục tỏa sáng, bởi vì "Puskin thuộc về hiện tượng vĩnh viễn sống, vĩnh viễn vận động không ngừng" (Belinxki)
CHÚ GIẢI
1- "Dòng máu xanh" - cách gọi của giới thượng lưu Nga về dòng dõi và địa vị cao sang của mình.
2- "Chim họa mi hót vang..." - trích bài thơ Bên đóa hồng kiêu kỳ (1824) - Trong cuốn Alexandr Puskin - tuyển tập tác phẩm, tập 3, Nxb Văn học, 1999.
(Tất cả các trích đoạn thơ trong bài viết này đều lấy từ cuốn sách trên)
3- "Năm châu bốn bể..." - Trích bài Nhà tiên tri
4- Năm 1812 - Năm nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của thống soái Cutudốp đã đánh tan hơthấn 60 vạn quân Napôlêông, giải phóng đất nước và một phần lớn châu Âu.
5- Phong trào Cách mạng Tháng Chạp - Phong trào cách mạng đầu tiên ở Nga do những nhà quý tộc tiến bộ lãnh đạo kéo dài trong 10 năm (1816 -1825). Ngày 14/ 12/ 1825 nhân ngày lễ đăng quang của Nicôlai I, các nhà cách mạng ở Pêtécbua và ở một số thành phố đã phát động cuộc khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa bị Nga hoàng dìm trong bể máu. Năm nhà lãnh đạo bị xử tử, nhiều người khác bị đày đi Xibiri. Người ta gọi họ là những người Cách mạng Tháng Chạp. Sự nghiệp của họ được Lê nin đánh giá cao.
6- "Nơi tuổi trẻ chóng tàn..."- Lời bài thơ Ánh mặt trời ban ngày đã tắt (1820)
7- "Mảnh đất cô đơn" - Lời bài thơ Tôi lại về thăm (1835).
8- "Bạn thân thiết..." - Lời bài thơ Nhũ mẫu (1826) và Buổi tối mùa đông (1825)
9- "Tôi lại hát chính khí ca..." - Lời bài thơ Ariôn (1827)
10- Ariôn - Theo truyền thuyết, Ariôn là thi sĩ và nhạc sĩ Hy lạp nổi tiếng (thế kỉ VII tr.CN) trong một chuyến đi biển ông bị bọn cướp biển bắt và định giết. Ariôn xin được hát một bài trước khi chết. Nhà thơ choàng tấm áo kipha (áo của thi sĩ, nghệ nhân) cất lời hát bài chính khí ca của mình, dứt lời nhảy xuống biển, nhưng được một con cá heo cứu thoát.
11- "Cuộc đời nhố nhăng..." - Lời bài thơ 26 tháng năm 1828.
12- "Ta đã dựng cho ta..." - Lời bài thơ Đài kỷ niệm (1836).
13- Tên Pháp lưu vong Đăngtex - tên quý tộc người Pháp sống lưu vong ở Nga, con nuôi của đại sứ Hà Lan Heckeren. Đăngtéc là kẻ ăn chơi trác táng, hay quyến rũ những người phụ nữ đẹp. Say mê vợ của Puskin, hắn cùng cha nuôi và bè lũ quý tộc ăn không ngồi rồi vạch kế hoạch từng bước để đầu độc cuộc sống lứa đôi của Puskin, buộc Puskin phải thách đấu súng để bảo vệ thanh danh gia đình.
14- "Đối với các nhà nghiên cứu..."- Trích bài Về Puskin (M. Gorki), trong tập Alecxandrơ Puskin - Tuyển tập tác phẩm, tập 5, Nxb Văn học, 1999, tr. 342.
15- "Quan điểm của Puskin" - Dẫn theo Phùng Trọng Toản, Sđd, tr.63.
16- "Một thứ cây..." - Trích từ Sáng tác của A.X. Puskin (Belinxki), sđd, tr.313
17- "Puskin đã đặt nền móng..." -Trích từ bài Về Puskin (M.Gorki), sđd. Tr. 340.
18- "Puskin là một hiện tượng..." -Trích từ Đôi lời về Puskin (Gôgôn), sđd, tr. 283
19- "Không có Puskin..." - Trích từ bài Về Puskin (M.Gorki), sđd, tr.339
20- "Người anh cả..." - Trong bài Anh là anh cả của thơ ca và tự do (P.Neruđa), sđd, tr.417