Kỹ năng sống
Tác giả: Mitch Albon

Những Ngày Thứ Ba Với Thầy Morrie

Chương 21

TÌNH YÊU

Ngày Thứ Ba Của Tuần Lễ Thứ Chín: Chúng Tôi Bàn Về Sự

Trường Tồn Của Tình Yêu

Trên đường tới West Newton, lá đã thay màu tạo thành một bức tranh vàng đỏ lượt là.

Tại tỉnh Detroit, chiến tranh lao động đình trệ, cả hai bên đều tố nhau là không chịu đứng ra nói chuyện. Đài truyền hình cũng lắm chuyện chán chường. Trên một đường làng, tiểu bang Kentucky, ba người đàn ông thảy một bia đá xuống cầu, làm đụng cửa kính chiếc xe chạy ngang dưới, gây thiệt mạng một thiếu nữ trẻ đang trên đường hành hương. Vụ án O.J. Simpson, tại California đang tới thời kết cục, và cả nước hình như hoàn toàn bị thu hút vào đấy. Ngay tại phi trường, các máy truyền hình treo cũng bắt đài CNN, cho thiên hạ biết được tin tức cuối cùng trước khi vào cổng máy bay.

Tôi đã cố gắng gọi em trai tôi tại Tây Ban Nha mấy lần. Tôi để lại lời nhắn, muốn nói chuyện với hắn, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về hai đứa chúng tôi. Vài tuần sau tôi nhận được một lời nhắn ngắn ngủi, cho biết sức khoẻ hắn cũng được, và hắn thật sự không muốn nói về chuyện mình bị bệnh.

Còn ông giáo sư già của tôi, thì cơn bệnh đã làm ông co rúm, suy yếu đi. Sau lần tôi đến kỳ trước, một người y tá đã phải gắn một ống nhỏ vào bộ phận sinh dục của ông để lấy nước tiểu ra, nước chảy vào một cái bịch bự nằm dưới chân ông. Chân ông phải luôn được thoa bóp (ông vẫn còn cảm giác nơi chân, nhưng không thể sử dụng chúng được, đó là một sự quái gở của căn bệnh ASL này). Trừ phi thấy chân ông đong đưa trên các nệm xốp, ta có cảm tưởng ông bị người ta chọc xuống. Đang lúc nói chuyện, ông thường nhờ mọi người dở chân ông lên một tí, cho rơi vừa phải một khoảng cách, hay phải sửa đầu ông cho ngay trên gối. Bạn có thế tưởng tượng mình không thể xoay sở được chính đầu mình không? Cứ mỗi lần tôi viếng thăm, thầy Morrie hình như lại bị chìm vào trong ghế hơn nữa, bộ xương sống của ông đã mất hình dạng. Tuy thế, mỗi sáng ông nhất định phải được ra khỏi giường, đặt vào xe lăn để vào phòng làm việc, ngồi giữa sách, vở, giấy tờ và dãy hoa dâm bụt nơi thành cửa sổ. Hình như ông đã tìm thấy một triết lý trong khung cảnh này.

- "Tôi đã tóm gọn lại qua một câu tôi vừa mới nghĩ ra. " Ông nói.

- Cho em nghe đi nào.

- Khi ta nằm trong giường, ta chết rồi. "

Ông mỉm cười. Chỉ có ông mới cười với ý nghĩ như thế.

Ông đang nhận những cú điện thoại từ chương trình Nightline và ông Ted Koppel cũng đích thân gọi nói chuyện.

- "Họ muốn đến làm một chương trình nữa với tôi". Ông nói.

"Nhưng họ bảo họ muốn đợi một lúc đã".

- Đợi lúc nào nữa, Thầy đang ở hơi thở cuối cùng kia mà?

- Chắc thế, tôi chẳng còn bao thời gian nữa đâu.

- Thầy đừng nói thế.

- Xin lỗi anh.

- Em thấy kỳ ghê đi, họ đợi thầy tàn lụi sao?

- Anh thấy khó chịu vì anh quan tâm tới tôi.

Ông mỉm cười. "Mitch, có lẽ họ dùng tôi như một thảm kịch. Cũng chả sao. Tôi cũng sử dụng họ vậy. Nhờ họ tôi có thể truyền đạt ý kiến của mình đến cả triệu khán giả. Tôi không thể làm điều đó nếu không có họ. Đúng không? Như vậy coi như có sự đổi qua chác lại rồi.

Ông ho, lần này là một cơn ho dài, mệt nhọc, và cuối cùng ông khạc được một cái vào giấy lau.

"À, mà tôi cũng đã bảo với họ rằng đừng đợi lâu quá, vì tiếng nói của tôi có thể không còn nữa. Nếu nó tiến đến buồng phổi tôi, thì sẽ cản trở tiếng nói rồi. Bấy giờ tôi không thể nói lâu được, phải dừng lại nghỉ ngơi đôi chút. Tôi đã từ chối không nói chuyện với nhiều người muốn viếng thăm tôi rồi đó. Có quá nhiều người muốn gặp tôi. Nhưng mà tôi mệt mỏi quá rồi. Nếu tôi không thể cho họ sự chú tâm hoàn toàn của mình, thì tôi chẳng giúp gì được cho họ". Tôi nhìn máy ghi âm và cảm thấy hơi xấu hổ, cảm giác như mình lấy mất một phần giờ quý báu còn lại của ông. "Hay là thôi đi thầy?" Tôi hỏi ông. "Buổi nói chuyện có làm cho thầy quá mệt không?"

Thầy Morrie nhắm mắt lại, lắc đầu. Hình như ông đang để một cơn đau đi qua. Cuối cùng ông lên tiếng: "Không, anh với tôi, chúng ta phải tiếp tục."

- "Đây là luận án cuối cùng, của chúng ta, anh biết chứ?" Luận án cuối cùng của chúng ta.

- Chúng ta phải làm cho đúng.

Tôi nghĩ đến luận án đầu tiên của chúng tôi thời kỳ đại học. Đương nhiên, đó là ý kiến của thầy Morrie. Ông bảo tôi đủ khả năng làm một dự án danh dự, một điều mà tôi không hề nghĩ đến. Giờ đây, chúng tôi lại làm chung một dự án một lần nữa. Bắt đầu từ một ý kiến. Một người sắp chết nói chuyện với một người đang sống. Lần này, tôi chẳng muốn mau chóng hoàn tất công việc.

"Ngày hôm qua có người hỏi tôi một câu rất lý thú." Morrie vừa nói, vừa nhìn qua vai tôi, bức tường có treo tấm ảnh thêu mà các bạn ông đã tặng nhân ngày sinh nhật thứ bảy mươi của ông. Tấm ảnh thêu với giòng chữ: HÃY CỨ TIẾP TỤC ĐƯỜNG ĐI, MORRIE - NGƯỜI ĐỨNG SỐ MỘT TRONG TÂM TƯỞNG LÀNH MẠNH. "

- Câu hỏi lý thú đó ra sao, thầy?

- Tôi có sợ bị người ta lãng quên tôi, khi tôi đã qua đời không?

- Thế, thầy có lo ngại không?

- Tôi không nghĩ mình sẽ bị lãng quên. Tôi đã sống, làm việc với rất nhiều người trong tinh thần thân mật, gần gũi. Chúng ta sống mãi trong tình thương, dù thân xác ta đã ra đi rồi.

- Nghe như lời của một bản nhạc: Chúng ta sống mãi trong tình thương.

Thầy Morrie đáp: "Có thể thế, nhưng này Mitch, những buổi nói chuyện với nhau? Anh có bao giờ nghe giọng nói của tôi khi anh đã về nhà anh không? Khi anh có một mình thôi. Có thể trên máy bay? Trên xe hơi?"

- Có. Tôi thú nhận.

- Vậy thì anh không bao giờ quên tôi, sau khi tôi đã ra đi rồi. Nghĩ đến giọng nói của tôi, và tôi sẽ có mặt cùng anh.

- Nghĩ đến giọng nói của Thầy.

- Và nếu anh muốn khóc một tí, thì chẳng sao đâu.

Thầy Morrie. Ông muốn nhìn thấy tôi khóc từ ngày tôi là sinh viên năm thứ nhất đại học. "Một ngày nào đó, tôi sẽ làm anh cảm động." Ông tuyên bố.

- Vâng, vâng. Tôi cũng đã trả lời.

*

* *

- Tôi đã chọn được những hàng chữ trên mộ bia tôi.

- Em không muốn nói đến mộ bia.

- Tại sao thế, anh cảm thấy bứt rứt à? Tôi nhún vai.

- Thế thôi, chúng ta không nói đến nữa.

- Không, thầy cứ nói đi. Thầy quyết định ra sao?

Thầy Morrie bập môi một cái: "Tôi đang nghĩ đến câu này:

"Một người thầy giáo cho đến phút cuối. " Ông đợi cho tôi thấm câu nói.

"Một người thầy giáo cho đến phút cuối".

- Tốt chứ? Ông hỏi.

-Vâng, tôi nói, hay lắm!

*

* *

Dần dà tôi càng yêu thích sinh khí bừng lên của thầy Morrie mỗi khi tôi bước vào phòng. Ông đối với nhiều người như thế này, không phải riêng tôi, tôi biết thế, nhưng đó là biệt tài của ông, mỗi người khách cảm thấy nụ cười của ông nở ra đặc biệt, duy nhất cho từng người một.

"A... anh bạn thân của tôi đây rồi". Giọng lãng đãng, nhưng mang âm sắc cao, ông reo lên mỗi khi ông trông thấy tôi. Nhưng không ngưng nơi lời chào thôi đâu nhé! Mỗi khi ông với ai, ông thật sự chủ tâm ông ta vào với người đó. Ông nhìn thẳng vào mặt người đối diện, ông lắng tai nghe họ như chỉ có một mình người đó trên thế giới này thôi! Có lẽ con người sẽ sống hoà hợp với nhau hơn, nếu cuộc gặp gỡ hàng ngày cũng thế - còn hơn chạm phải một cô hầu bàn cầu nhầu, một ông lái xe bus lạnh lùng, hay ông boss trong sở làm?

"Tôi tin tưởng rằng tôi phải hiện diện hoàn toàn" Ông nói:

"Có nghĩa là anh phải có mặt toàn diện với người anh đang nói chuyện cùng. Khi tôi nói chuyện với anh, Mitch à, tôi chỉ chú tâm đến hai chúng ta mà thôi. Tôi không nghĩ đến những gì chúng ta bàn trong tuần trước. Tôi không nghĩ đến những gì sẽ xảy ra thứ sáu này. Tôi không nghĩ đến chuyện phải làm thêm một chương trình của Ted Koppel nữa, hay là phải uống thuốc chẳng hạn".

- Tôi đang nói chuyện với anh. Tôi đang nghĩ về anh.

Tôi nhớ ông dạy ý kiến này trong một Nhóm Tiến Triển trong trường đại học Brandeis. Lúc ấy, tôi nghi ngờ ý tưởng này, nghĩ làm sao có thể là một môn học của chương trình đại học được? Học cách chủ tâm? Điều đó quan trọng đến mức nào? Bây giờ thì tôi biết nó còn quan trọng hơn nhiều môn được dạy tại đại học.

Thầy Morrie ra dấu muốn nắm lấy tay tôi. Đưa tay ch o ông nắm, lòng tôi bỗng man man. Người đàn ông này, nếu muốn, có thể ngồi tủi phận mình hàng ngày, trong lúc chứng kiến thân thể mình tàn phá dần, qua từng hơi thở đếm. Thật, có rất nhiều người, với những vấn đề nhỏ nhặt hơn, nhưng họ chỉ nghĩ về họ thôi, ánh mắt thoáng nhìn ta nếu ta nói hơn ba mươi giây. Đầu óc họ đã nghĩ đến việc gì đó rồi, gọi bạn, điện thư phải gởi, một người tình mộng tưởng. Họ chỉ chú ý trở lại khi bạn ngưng nói, tới lúc đó họ nói: "Ừ, đúng thế", hay "Vậy hả?", và họ vờ vĩnh nối tiếp câu chuyện.

"Một phần của vấn đề là, mọi người ở trong tình trạng vội vã”. Thầy Morrie bảo: "Con người không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống họ, thành ra họ chạy vòng vòng tìm kiếm nó. Họ nghĩ đến chiếc xe mới, cái nhà sắp đổi, công việc tới. Rồi họ thấy các thứ đó cũng trống rỗng, và họ tiếp tục chạy nữa".

"Mỗi khi ta đã bắt đầu chạy, rất khó cho ta đi chậm lại". Tôi nói.

"Không, chớ quá vội vàng". Ông lắc đầu, nói: "Khi có người muốn vượt qua tôi khi tôi còn lái xe được, tôi hay dơ tay lên".

Ông cố gắng đưa tay lên, nhưng bàn tay yếu đuối, chỉ nhấc lên có sáu phân tây thôi.

"... Tôi đưa tay ra, làm bộ như sắp làm một cử chỉ thô tục, nhưng tôi lại vẫy tay với họ, và mỉm cười. Đáng nhẽ dơ tay mắng, mình để họ đi trước mình, và mình mỉm cười. Anh biết không, phần đông họ cười trở lại".

"Đúng ra thì tôi chẳng vội vàng gì với chiếc xe của tôi, chẳng thà tôi để cả nhiệt huyết mình vô con người ta".

Ông đã áp dụng điều này hơn bất cứ ai tôi đã từng quen biết. Những người ngồi với ông đã thấy mắt ông ươn ướt khi họ tâm sự về một chuyện đau khổ, hay trông thấy ánh mắt ông sáng lên khi họ kể chuyện cười. Ông sẵn sàng biểu lộ cảm xúc của mình, một tình cảm hình như thiếu sót trong thế hệ baby boomer của chúng tôi. Chúng tôi thì rất tài với những mẫu chuyện nho nhỏ: "Anh làm công việc gì?" "Anh sống ở đâu?" Nhưng thật sự lắng nghe một người - mà không cố tình bán cho họ cái gì, hay cố thuyết phục họ gia nhập tổ chức nào, hay dựa một địa vị nào đó nơi họ - thì thông thường ra ai có lắng nghe ai không? Tôi tin rằng những người khách đến thăm thầy Morrie trong những giờ phút cuối cùng của ông, họ bị cuốn hút, không phải vì sự chú ý mà họ muốn trao cho ông, ngược lại là sự chăm chú ông đã dành cho họ.

Mặc dù mang cơn đau thể xác tàn lụi, người đàn ông bé nhỏ này lắng nghe chăm chú, mọi người muốn được người ta lắng nghe mình như thế đó.

Tôi bảo với ông rằng ông là người cha mọi người mong ước.

"Vâng", ông nói mắt nhắm: "Trong lãnh vực này thì tôi có kinh nghiệm".

*

* *

Lần cuối cùng thầy Morrie thấy mặt cha ông là tại nhà xác tỉnh. Charlie Schwartz là một người đàn ông trầm lặng, thích đọc báo một mình, dưới ánh đèn đường Treemont trong vùng Bronx. Mỗi tối, khi Morrie còn bé, ông Charlie thường đi dạo sau buổi ăn tối. Là một người đàn ông Nga nhỏ người, da mặt hơi đỏ, với một đầu tóc bạc trắng. Qua cửa sổ, Morrie và em David trông thấy người ông dựa vào cột đèn đường. Morrie ước gì ông vào nhà và nói chuyện với chúng, nhưng ông ít khi làm điều này. Và ông cũng chẳng bao giờ bỏ hai đứa bé vào giường và hôn con trước khi đi ngủ.

Morrie luôn nhủ lòng thề là ông sẽ làm tất cả những điều này với các con ông, một mai ông có con. Những năm sau đó, ông đã làm bổn phận làm cha với con cái ông. Trong thời gian Morrie nuôi con lớn lên, ông Charlie vẫn sống tại Bronx. Ông vẫn đều đi bộ hàng ngày. Ông vẫn đọc báo. Một đêm kia, ông đi ra ngoài sau buổi ăn tối, chỉ có cách vài đoạn đường của nhà ông, ông bị chặn lại bởi mấy tên ăn cướp.

- Đưa cho chúng tao tiền mau! Một tên nói, chìa ra khẩu súng.

Hoảng sợ, Charlie quăng vội cái ví của ông và bỏ chạy. Ông chạy loanh quanh các con đường cho đến khi tới thềm nhà một người thân, ông kiệt sức ngã trước ngưỡng cửa.

Áp xuất lên tim. Đêm đó ông qua đời.

Morrie được gọi đến để nhận mặt cha. Ông bay tới New York và tới nhà xác. Ông được đem tới tầng dưới, trong căn phòng lạnh nơi giữ các xác chết.

- Đây phải là cha ông không? Người phụ trách hỏi.

Morrie nhìn cái xác sau tấm gương, xác người đàn ông đã la mắng ông, đã uốn nắn ông, dạy dỗ ông, dạy ông đi làm, đã yên lặng khi Morrie muốn ông nói chuyện cùng, đã bảo ông hãy quên đi những kỷ niệm về mẹ ông, khi ông muốn nói cho cả thế giới biết về bà.

Ông gật đầu và bỏ đi. Cảm giác ghê hãi của căn phòng đã hút hết cả nghị lực của ông. Đến mấy ngày sau ông mới khóc được. Nhưng cái chết của cha ông đã giúp ông sửa soạn cho cái chết của mình. Ông biết chắc, sẽ có biểu lộ tình thương, ôm ấp, hôn hít, nói chuyện, cười đùa, không có những lời giã biệt chưa kịp nói, những gì mà ông không được làm với cha và mẹ ông.

Khi giờ phút cuối cùng của ông đã điểm, ông muốn tất cả những người thân của ông ở chung quanh ông, biết chuyện gì đang xảy ra. Không ai phải nhận một cú điện thoại, hay một tấm điện tín, hay phải nhìn qua kính trong một căn phòng hầm lạnh lẽo và xa lạ.

*

* *

Trại vùng nhiệt đới Nam Châu Mỹ Latin, có một bộ lạc tên là Desana. Họ tin tư ởng thế giới như là một khối sinh lực cố định, chia sẻ giữa muôn loài. Mỗi sự sống vì thế sẽ nẩy nổi một cái chết, và mỗi cái chết sẽ đem tới một sự sống. Như vậy khối lực của thế giới trở thành toàn hảo.

Khi đi săn, người Desana tin rằng những con vật họ giết, ra đi với một cái lỗ hổng trong giếng tinh thần. Nhưng các lỗ hổng này sẽ được thay thế bởi những người thợ săn khi họ chết đi. Khi không còn người chết nữa thì sẽ không có chim hoặc cá được sinh ra. Tôi thích ý nghĩ này. Thầy Morrie cũng thế. Càng đến gần ngày nói lời giã từ, ông lại càng có cảm giác rằng chúng ta là thành phần của muôn loài trong rừng. Những gì ta lấy đi, ta phải lấp đầy lại.

"Chỉ như thế mới công bằng. " Ông bảo.

Hết Chương 21
Thông tin sách