Kỹ năng sống
Tác giả: Mitch Albon

Những Ngày Thứ Ba Với Thầy Morrie

Chương 6

THÍNH THỊ - PHẦN I

Tháng 3 năm 1995, một chiếc xe limousine sang trọng chở Ted Koppel, chủ nhiệm của chương trình Nightline của đài truyền hình ABC ép vào lề đường tuyết phủ của căn nhà Morrie trong thành phố West Newton, tiếu bang Massachussetts.

Lúc đó, Morrie đã dùng xe lăn toàn thời gian, đang làm quen với cảnh các khiêng ông lên như khiêng một túi nặng từ chiếc xe lên giường, và từ giường xuống xe. Ông đã bắt đầu chứng ho lúc ăn và nhai đồ ăn đối với ông đã trở nên nặng nhọc. Cặp chân thì đã chết hẳn, ông không thể nào đi đứng được nữa. Tuy nhiên, ông vẫn không chịu xuống tinh thần. Morrie đã trở nên mộc chiếc cột thu lôi truyền đạt ý nghĩ. Ông ghi nhận các ý nghĩ của mình trên xấp giấy ghi màu vàng, bao thơ, bìa đựng hồ sơ, hoặc giấy nháp. Ông viết những triết lý vụn vặt về việc sốngtrong bóng của tử thần.

"Chấp nhận chuyện gì mình có thế làm được và chuyện gì mình không thể làm được". "Chấp nhận quá khứ là quá khứ, không cần chối cãi hoặc vứt bỏ". "Đừng cho là trễ quá nên không kịp can thiệp".

Sau một thời gian, ông có hơn năm chục những câu "châm ngôn vụn" để chia sẻ với bạn bè. Một người bạn cũng là giáo sư tại đại học Brandeis thấy những câu đó quá hay, nên gởi cho một phóng viên của tờ Boston Globe. Ông này tiếp xúc với ông và viết một phóng sự dài về Morrie với tựa:

Giảng khoá cuối cùng của một giáo sư: Cái chết của chính ông.

Bài này lọt vào mắt xanh của một nhà sản xuất chương trình Nightline. Ông này đem tới cho Ted Koppel tại Hoa Thịnh Đốn.

"Ông coi thử cái này". Nhà sản xuất nói.

Thế là dẫn đến cảnh các chuyên viên thu hình chiếm đầy phòng khách của Morrie và chiếc xe sang trọng trước cửa nhà Morrie.

Thân hữu và gia đình Morrie đã tề tựu tại nhà ông để gặp Ted Koppel và, khi con người nổi tiếng này bước vào căn nhà, tiếng xôn xao nổi lên thật hào hứng, chỉ trừ Morrie là thản nhiên lăn xe về phía trước, nhướng lông mày lên nhìn, làm ngưng cảnh xôn xao với giọng nói cao trầm bổng cố hữu.

"Này ông Ted, tôi phải xét lại một chút trước khi thỏa thuận để ông phỏng vấn”.

Tiếp theo là im lặng nặng nề, bối rối, rồi hai người được đưa vào phòng đọc sách. Cửa phòng đóng lại.

Một người bạn nói thì thầm ngoài phòng: "Mong là ông Ted dễ dãi với ông Morrie một chút".

Người khác lại nói: "Mong là Morrie dễ dãi với Ted một chút".

Trong căn phòng, Morrie ra hiệu cho Ted ngồi xuống. Ông chắp tay lên đầu và mỉm cười:

"Ông cho biết điều gì ông tha thiết, gần với trái tim ông nhất?

- Tim tôi?

Koppel chăm chú nhìn ông già: "Được rồi" Ông nói thật trịnh trọng, rồi ông nói chuyện về các con ông. Con cái là tha thiết, gần với trái tim phải không?

Morrie tiếp: "Được rồi, bây giờ ông cho tôi biết ông tin những gì"

Koppel cảm thấy thiếu thoải mái:

"Đối với người tôi chỉ mới quen biết vài ba phút, thường tôi không nói về những chuyện như vậy.

"Ông Ted này, tôi sắp chết rồi đấy". Morrie vừa nói, vừa nhìn chăm chú qua cặp kính. "Tôi không còn nhiều thời giờ nữa đâu".

Koppel bật cười: "Được rồi". Ông trích dẫn một đoạn sách của Marcus Aurelius, một đoạn mà ông rất thích. Morrie gật đầu.

Koppel nói: 'Bây giờ để tôi hỏi ông một điều, ông đã bao giờ xem chương trình của tôi chưa?

Morrie nhún vai: "Hai lần, có lẽ. "

- Chỉ có hai lần thôi à? Có vậy thôi à?

"Ông đừng buồn, tôi chỉ xem chương trình Oprah có một lần thôi.

- Ừ, vậy trong hai lần xem chương trình của tôi, ông có cảm tưởng gì?

Morrie ngừng một lát: "Nói thật hả?"

- Ừ, nói thật.

- Tôi có cảm tưởng ông bảnh lắm. Koppel bật cười thành tiếng:

- Tôi xấu trai thế này thì làm sao bảnh được. "

Chẳng bao lâu các máy thu hình quay quang cảnh lò sưởi phòng khách với Ted Koppel trong bộ âu phục thẳng băng màu xanh biển và Morrie trong chiếc áo sweater dúm dó màu xám. Ông đã từ chối mặc quần áo đẹp và trang điểm để thâu hình phỏng vấn. Triết lý của ông là chết không phải là điều gì ngượng ngùng, không cần lấy phấn để hoá trang cái mũi của nó.

Vì Morrie ngồi trên xe lăn, ống kính không hề nhắm tới cặp chân teo của ông. Và bởi vì ông vẫn cử động được đôi tay - Morrie vẫn luôn nói chuyện với đôi tay chuyển động - ông tỏ ra thật tha thiết đam mê khi thuyết giảng người ta phải đối diện với cái chết ra sao.

"Này ông Ted", ông nói "thoạt đầu, tôi đã tự hỏi: Liệu tôi nên rút lui ra khỏi cuộc sống, giống như đa số thiên hạ làm hay là vẫn tiếp tục sống?". Tôi đã quyết định tiếp tục sống - hay ít ra là ráng tiếp tục sống - theo cách mà tôi muốn, với tư cách, can đảm, ý nhị và phong thái.

"Có những buổi sáng tôi khóc, và khóc ròng, thương cho thân phận. Có những buổi sáng tôi tức giận và thấy cay đắng não nề. Nhưng những lúc như thế này không lâu đâu. Rồi tôi tỉnh dậy và nói: "Tôi muốn sống. "

"Từ đó tới nay, tôi làm được chuyện này đấy. Liệu tôi có tiếp tục được không? Tôi không biết. Nhưng tôi cá với chính tôi là tôi sẽ làm được. "

Koppel có vẻ say mê theo dõi Morrie. Ông nói về sự khiêm tốn mà cái chết mang lại.

"Này ông Fred ơi", Morrie chợt vô ý gọi, rồi ông chữa lại câu nói: " Này ông Ted... "

Koppel vừa nói vừa cười: "Chính ông gọi nhầm tên, đã làm cho tôi khiêm tốn đấy".

Hai người nói chuyện về những điều xảy ra sau khi chết. Họ nói về chuyện càng ngày Morrie càng lệ thuộc vào người khác. Ông hiện đã cần người giúp ông ăn, giúp ông ngồi và di chuyển từ chỗ này tới chỗ khác. Koppel hỏi Morrie điều gì ông khiếp sợ nhất về chuyện cơ thể tàn héo dần?

Morrie ngừng lại. Ông hỏi xem ông dùng chữ này trên truyền hình có được không.

Koppel trả lời là cứ nói đi.

Morrie nhìn thẳng vào mắt của nhà phỏng vấn nổi tiếng nhất trên đất Mỹ và nói: "Này ông Ted, chẳng bao lâu đâu, một ngày nào đó sẽ có người phải chùi đít cho tôi”.

Chương trình này phát hình vào một tối thứ sáu. Bắt đầu bằng hình ảnh Ted Koppel ngồi sau bàng làm việc với giọng nói vang vang đầy uy tín.

"Morrie Schwartz là ai? Và tại sao trước khi ngày hôm nay chấm dứt lại có nhiều người trong chúng ta quan tâm và thương cảm?

Cách đó một ngàn dặm, trong ngôi nhà của tôi trên đồi, đó chính là lúc tôi đổi đài loạn xạ. Tôi nghe thấy câu: "Morrie Schwartz là ai?". Và tôi cảm thấy tê tái rụng rời.

Hôm đó là buổi học đầu tiên của tôi trong lớp ông, khoá mùa Xuân năm 1976. Tôi bước vào căn phòng rộng của Thày Morrie và nhận thấy sách đọc đầy vách tường tưởng như đếm không nổi, hết kệ này đến kệ khác. Nào là sách về xã hội học, triết học, tôn giáo, tâm lý. Sàn nhà bằng gỗ lim trải một tấm thảm lớn và cửa sổ nhìn ra lối đi trong khuôn viên đại học. Có mặt chỉ chừng mươi mười hai sinh viên, đang giở đi giở lại mấy cuốn tập hoặc cuốn giáo trình. Đa số mặc đồ jeans và mang giày đi bộ, áo nỉ trơn. Tôi tự nhủ học lớp ít sinh viên loại này chắc không dễ cúp cua. Có lẽ tôi không nên chọn.

"Mitchell?" Morrie gọi, theo danh sách các sinh viên dự lớp. Tôi giơ tay.

- Anh thích tôi gọi là Mitch? Hay Mitchell hơn?

Tôi chưa từng được ông thày nào hỏi câu này. Tôi hơi ngạc nhiên do dự trước ông thày mặc chiếc áo len cổ cao màu vàng và quần xanh lục vải corduroy với mớ tóc bạch kim xoà xuống trán. Ông mỉm cười.

Tôi nói : "Mitch. Mitch là tên mà bạn bè thường gọi. "

- Vậy thì gọi Mitch nhé". Ông Morrie nói như thể kết thúc một cuộc thương thảo. "Này anh Mitch. "

- Dạ.

- Tôi mong rằng một ngày nào đó anh sẽ coi tôi như một người bạn.

Hết Chương 6
Thông tin sách